I. KHÁI QUÁT VỀ MẢNH ĐẤT VÀ CON NGƯỜI XÃ HỒNG HƯNG
Xã Hồng Hưng nằm ở phía Đông Nam huyện Gia Lộc. Phía Bắc giáp xã Hoàng Diệu và thị trấn Gia Lộc; phía Nam giáp với xã Thống Kênh; phía Đông giáp với xã Dân Chủ huyện Tứ Kỳ; phía Tây giáp với xã Đoàn Thượng và Toàn Thắng.
Hồng Hưng là mảnh đất thuộc huyện Gia Lộc[1], theo lịch sử để lại, xưa kia là vùng sông nước, có gốc tích sa bồi do sông Thái Bình và sông Hồng bồi tụ tạo nên cách đây khoảng 2.000 năm. Mảnh đất có bề dầy lịch sử gắn bó với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Hồng Hưng ngày nay có nhiều tên gọi và quy mô địa giới hành chính khác nhau.
Mảnh đất Hồng Hưng ngày nay, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 gồm 3 xã: Phương Xá, Cát Khê, Phương Bằng. Xã Phương Xá gồm 4 thôn: Phương Khê (còn gọi là làng Phe), Thị Xá (còn gọi là Gôi Thượng), Hoàng Xá (còn gọi là làng Vàng) và Nhân Lý. Xã Cát Khê gồm 2 thôn: Cát Tiền, Cát Hậu (còn gọi là làng Cát). Xã Phương Bằng gồm 2 thôn: Phương Bằng, An Thôn[2]. Sau khi cách mạng giành chính quyền ngày 19/8/1945, bỏ đơn vị hành chính cấp tổng[3], lập đơn vị hành chính cấp xã.
Đầu năm 1946, huyện Gia Lộc đã ra quyết định hợp nhất 2 xã Phương Bằng và Cát Khê là một, lấy tên là xã Phương Cát. Xã Phương Xá giữ nguyên. Ngày 18/12/1948, Uỷ ban hành chính kháng chiến huyện Gia Lộc quyết định hợp nhất 2 xã Phương Xá và Phương Cát thành xã Hồng Hưng gồm 7 làng: Phương Bằng, Phương Khê, Thị Xá, Hoàng Xá, Nhân Lý, Cát Tiền, Cát Hậu.
Trước yêu cầu phát triển của sự nghiệp đổi mới, người dân trong xã với nhiều ngành nghề như sản xuất nông nghiệp, buôn bán, cơ khí, sửa chữa nhỏ... và một phần lớn là các hộ công nhân, viên chức hiện đang công tác, hoặc đã nghỉ hưu ra sinh sống hình thành một khu dân cư mới nằm ven giao lộ đường 17A (nay là Quốc lộ 37) với đường 191C (khu vực quán Phe). Năm 1997 thị tứ Hồng Hưng được công nhận là một khu dân cư độc lập, là một đơn vị thuộc xã Hồng Hưng. Như vậy, đến năm 1997, xã Hồng Hưng có 7 thôn gồm: Phương Bằng, Phương Khê, Thị Xá, Hoàng Xá, Nhân Lý, Cát Tiền, Cát Hậu và một thị tứ Hồng Hưng (hay còn gọi là thị tứ Quán Phe).
Thực hiện quyết định số 1661/QĐ-UBND, ngày 14/5/2019 của UBND tỉnh Hải Dương về việc thành lập các thôn mới trên địa bàn các xã trực thuộc huyện Gia Lộc, xã Hồng Hưng thành lập 2 thôn mới là thôn Phương Khê và thôn Thị Xá. Thôn Phương Khê được thành lập trên cơ sở sáp nhập Thị tứ Hồng Hưng với thôn Phương Khê. Thôn Thị Xá được thành lập trên cơ sở sáp nhập thôn Nhân Lý với thôn Thị Xá. Như vậy, kể từ ngày 01/6/2019, xã Hồng Hưng có 6 thôn: Phương Khê, Thị Xá, Hoàng Xá, Cát Hậu, Cát Tiền và Phương Bằng.
Theo thống kê đến 31/12/2019, xã Hồng Hưng có diện tích đất tự nhiên 541,99 ha, trong đó: Đất nông nghiệp là 374,39 ha, đất phi nông nghiệp là 167,6 ha, đất ở là 49,44 ha còn lại là đất khác. Dân số có 2.587 hộ với 8.300 nhân khẩu.
Đất đai của xã chủ yếu là đất thịt nhẹ, pha cát, là vùng đất trũng nằm ven sông Tràng Thưa. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất đai của địa phương trũng, nhưng không có hệ thống kênh mương dẫn nước, mùa mưa thường xuyên bị úng ngập, mùa khô thì bị hạn hán. Việc sản xuất nông nghiệp hầu như phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên, nên vụ Chiêm chỉ cấy được khoảng 40% diện tích, vụ Mùa cấy khoảng 60% diện tích, còn lại là bỏ hoang hoá. Phía Nam có sông Tràng Thưa chảy qua, con sông này xưa kia là đường giao thông thuỷ thuận lợi. Trên sông thuyền bè xuôi ngược chuyên chở hàng nông sản. Chủ yếu là gạo từ bến chợ Cát đi Hải Phòng và các nơi. Hàng hoá nhập về là tre, gỗ từ miền núi. Nay con sông Tràng Thưa nằm trong hệ thống Bắc Hưng Hải, được nhân dân đắp đê trị thuỷ, xây dựng hệ thống thuỷ lợi hợp lý, là nguồn nước tưới cho ruộng đồng rất thuận lợi. Nhìn chung, điều kiện tự nhiên của Hồng Hưng thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đường giao thông trục xã chỉ dài khoảng 2km, đường các thôn nhỏ hẹp ngoằn ngoèo, lầy lội vì toàn đường đất. Thôn Cát Hậu có một đoạn đường lát gạch nghiêng, thôn Phương Khê, Cát Tiền, Phương Bằng có một đoạn lát đá tảng đi vào đình. Việc đi lại rất khó khăn. Ngày nay, hệ thống giao thông thuận tiện, có đường Quốc lộ 37 (trước đây gọi là đường 17A), đường trục Bắc - Nam chạy qua xã. Ngoài ra hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn, đường thôn xóm nay được mở rộng rải nhựa, bê tông rất thuận tiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống nhân dân.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xã Hồng Hưng dân cư ít có khoảng 2.939 người với 566 hộ, có 585 xuất đinh (tức đàn ông tuổi từ 18 tuổi trở lên). Dân cư thưa thớt một phần do điều kiện kinh tế khó khăn, các nạn dịch bệnh thường xuyên xảy ra đã cướp đi nhiều sinh mạng, tình trạng "hữu sinh vô dưỡng" diễn ra khá phổ biến.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, người dân về đây sinh cơ lập nghiệp và hội tụ thành nhiều dòng họ khác nhau như: họ Nguyễn, họ Phạm, họ Vũ, họ Đặng, họ Lê… tạo nên một cộng đồng dân cư đông đúc, sống quần tụ bên nhau. Đến nay trên địa bàn xã có khoảng 38 dòng họ.
Dưới thời thống trị của phong kiến và thực dân Pháp, nhân dân Hồng Hưng phần lớn tá điền là dân nghèo phải đi làm thuê, làm mướn cho bọn địa chủ cường hào rất khổ cực, đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn.
Từ những năm đầu công nguyên trên mảnh đất Hồng Hưng đã hình thành cộng đồng làng xã. Những cư dân đầu tiên của Hồng Hưng là những người đến đây khai phá tạo dựng nên ấp trại. Trải qua quá trình dựng nước và giữ nước, chinh phục thiên nhiên, chống xâm lược... đã tạo dựng và bảo vệ quê hương giàu đẹp ngày nay.
Trong quá trình lao động và chiến đấu để bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước, tính cộng đồng làng xã của nhân dân được xây dựng ngày càng gắn bó chặt chẽ. Người dân Hồng Hưng là những người nông dân hiền lành chất phác, có truyền thống lao động cần cù đoàn kết thương yêu nhau, giầu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng. Trải qua bao thế hệ kế tiếp nhau, nhân dân Hồng Hưng quây quần trong tình làng, nghĩa xóm gắn bó, thuỷ chung, "Tắt lửa tối đèn" có nhau. Tính cố kết cộng đồng làng xã được nhân dân xây dựng, vun đắp từ bao đời đã gắn bó, che chở và tạo nên sức mạnh trong đấu tranh và xây dựng quê hương.
Ngày nay, người dân Hồng Hưng canh tác trên những cánh đồng màu mỡ để cấy lúa, trồng hoa màu các loại và cây ăn quả. Nhiều loại sản phẩm quý nổi danh như nếp cái hoa vàng, gạo dự... Ngoài nghề nông, từ xa xưa người Hồng Hưng không chỉ giỏi làm ruộng mà còn thạo buôn bán. Từ thời phong kiến, trên đất Hồng Hưng đã có chợ Phe, bến chợ Cát là những trung tâm trao đổi hàng hoá.
Cuộc sống tinh thần của người Hồng Hưng khá phong phú, đa dạng, biểu hiện qua các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng tôn giáo mà sự phản ánh rõ nét nhất là các lễ hội truyền thống của làng, xã cuốn hút sự tham gia đông đảo của người dân. Xưa kia mỗi làng xã, nhân dân đều xây dựng những ngôi đình, chùa có cảnh quan đẹp với kiến trúc độc đáo trang nghiêm, cổ kính như: Đình Chạ Phương Khê, đình Cát Hậu, đình Phương Bằng, chùa Phe của ba thôn: Phương Xá, Thị Xá, Nhân Lý…Trải qua thời gian, do chiến tranh, bị tiêu thổ trong kháng chiến chống Pháp và thiên nhiên tàn phá, hoặc được nhân dân hạ giải lấy vật liệu xây dựng trường học, trụ sở làm việc hành chính của xã, hợp tác xã nông nghiệp...do vậy chỉ còn lại ngôi đình cổ Nhân Lý. Ngày nay, các thôn trong xã đều khôi phục lại đình, chùa làng.
Cho đến nay, xã Hồng Hưng có 02 di tích được được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là "di tích lịch sử" cấp tỉnh gồm:
Đình Hoàng Xá còn có tên gọi khác là Đình Vàng. Theo cuốn lý lịch di tích đình Hoàng Xá thì đình được khởi dựng vào trước năm 1610, vào năm 1897 đình được trùng tu lớn với khuôn viên rộng, cảnh quan đẹp, các hạng mục công trình kiến trúc nối tiếp nhau. Đình Hoàng Xá tôn thờ hai vị Thành hoàng: Công Hoằng Đại vương và Tiến sĩ Phạm Vĩnh Toán. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, đình là địa điểm quyên góp, hưởng ứng phong trào "Tuần lễ vàng" đồng thời là trường học cấp I xã Hồng Hưng và căn cứ đóng quân của trung đội du kích xã Nghĩa Hưng (nay là Thị trấn Gia Lộc). Năm 2014, đình Hoàng Xá được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là "di tích lịch sử" cấp tỉnh.
Đình- Chùa Phương Bằng được gọi theo tên thôn Phương Bằng. Đình thờ Thành hoàng làng là Nguyễn Phục- một nhà khoa bảng, một công thần tiết nghĩa thời Lê (thế kỷ XV). Đình là nơi tổ chức các lớp học "bình dân học vụ", là trụ sở làm việc của Bưu điện và công ty Điện máy tỉnh Hải Dương. Năm 2016, đình được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là "di tích lịch sử" cấp tỉnh.
Hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội để cầu cho mưa thuận gió hoà, cho mùa màng tươi tốt, nhân khang, vật thịnh, cuộc sống bình an. Lễ hội thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày, nhất là sau tết nguyên đán là làng vào đình đám, lễ hội. Phần lễ có rước kiệu, cúng, tế. Phần hội có tổ chức nhiều trò chơi truyền thống như kéo co, đánh vật, chọi gà, đánh cờ tướng, hát chèo, ca trù, chầu văn... Đây là những ngày vui nhất trong năm, được nhân dân trân trọng duy trì, giữ gìn và trở thành những ngày lễ hội truyền thống ở địa phương.