CHÍNH TRỊ-KINH TẾ
Đảng bộ xã Hồng Hưng kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập chi bộ Đảng đầu tiên (18/12/1948 - 18/12/2023).
19/12/2023 09:53:41

Sáng ngày 17/12/2023 tại Nhà văn hóa trung tâm xã, Đảng bộ xã Hồng Hưng long trọng tổ chức gặp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Chi bộ đảng đầu tiên, tiền thân của Đảng bộ xã ngày nay (18/12/1948 - 18/12/2023). Dự gặp mặt kỷ niệm có đồng chí Vũ Văn Cấp – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, cùng các đồng chí lãnh đạo Khu IV và lãnh đạo, phóng viên Đài truyền thanh huyện. Đại biểu ở xã có các đồng chí Nguyên là Đảng ủy viên qua các thời kỳ, BCH Đảng bộ xã khóa XXVI, Trưởng và phó các đoàn thể CT-XH, cán bộ công chức xã, Chi ủy các chi bộ, Trưởng và phó các thôn, Ban giám hiệu các nhà trường, Trưởng trạm y tế, Đài truyền thanh, Trưởng các tổ chức xã hội và hội đặc thù, đại diện một số tổ chức tôn giáo, kinh tế, doanh nghiệp trên địa bàn.

 
 (Đ/c Vũ Văn Cấp – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện tặng hoa chúc mừng)
 
 

Hồng Hưng là mảnh đất "địa linh nhân kiệt", nhân dân giàu lòng yêu nước, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, dũng cảm trong chiến đấu, hiếu học thông minh, luôn đoàn kết gắn bó bên nhau xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Là quê hương của cụ Phạm Vĩnh Toán, sinh năm 1488, người xã Hoa Xá, 24 tuổi đỗ Đệ Nhị Giáp - Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp), khoa Tân Mùi, niên hiệu Hồng Thuận năm 1511, làm quan tới chức Thượng Thư Tước Hầu, khi mất được phong là Quận Công. Xã có nhiều cụ đồ nho, cụ khoá nổi tiếng như cụ Thượng Buộm, Bảo Thắng, Cử Độ, Tú Thịnh, Tú Giáp ở làng Thị Xá. Nhiều thầy lang giỏi chữa được nhiều bệnh cho nhân dân bằng thuốc nam như cụ Hội Chung, Giáo Nới, Khóa Liêm ở Thị Xá; cụ Khoá Duyệt ở Phương Khê...

 
(Đ/c Phạm Văn Luận, HUV, Bí thư ĐU đọc diễn văn và báo cáo một số kết quả nổi bật trước hội nghị) 

Trải qua những biến động của lịch sử, địa giới và tên gọi của xã Hồng Hưng có nhiều thay đổi: Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, mảnh đất Hồng Hưng được gọi là Tổng Phương Xá gồm 3 xã là: Phương Xá, Cát Khê và Phương Bằng. Đầu năm 1946, Uỷ ban hành chính kháng chiến huyện Gia Lộc quyết định hợp nhất 2 xã Phương Bằng và Cát Khê làm một, lấy tên là xã Phương Cát. Ngày 18/12/1948, Uỷ ban hành chính kháng chiến huyện Gia Lộc quyết định hợp nhất xã Phương Xá và Phương Cát thành xã Hồng Hưng và tồn tại cho đến ngày nay. Hiện nay xã có 6 thôn: Phương Khê, Thị Xá, Hoàng Xá, Cát Tiền, Cát Hậu và Phương Bằng.

Ngày 22/6/1946, Đảng bộ huyện Gia Lộc được thành lập đã lãnh đạo nhân dân toàn huyện đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, giữ vững chính quyền cách mạng, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, diệt giặc đói, giặc dốt và tăng cường công tác phát triển Đảng, chỉ trong một thời gian ngắn nạn đói đã từng bước được khắc phục. Lúc này các phong trào ở xã phát triển mạnh, nhiều quần chúng tích cực đã trở thành lực lượng trung kiên trong tổ chức Việt Minh. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hà, người con quê hương Hồng Hưng là một trong 3 đồng chí đảng viên đầu tiên khi thành lập Chi bộ đảng Việt Minh của huyện, đồng thời là một trong 5 đồng chí trong BCH Đảng bộ huyện đầu tiên được Huyện uỷ phân công về xây dựng tổ chức Đảng ở xã Phương Xá và Phương Cát.

Cuối tháng 6/1946, tại nhà cụ Thừa Chước thôn Thị Xá, Huyện uỷ Gia Lộc quyết định thành lập Chi bộ Phương Xá gồm 3 đồng chí: Nguyễn Văn Đại, Lê Văn Mai và Nguyễn Văn Ngận, đồng chí Nguyễn Văn Đại được chỉ định làm Bí thư chi bộ.

Tháng 11/1947, tại nhà ông Thiệu ở An Thôn chi bộ Phương Cát được thành lập gồm 5 đồng chí: Đỗ Văn Vĩ, Nguyễn Văn Xanh, Nguyễn Văn Xưởng, Đỗ Văn Khuể, Nguyễn Văn Thiệu, do đồng chí Đỗ Văn Vĩ làm Bí thư chi bộ.

Sau khi được thành lập, các chi bộ đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, thông qua các phong trào cách mạng, nhiều quần chúng ưu tú đã tích cực rèn luyện, phấn đấu và được kết nạp vào Đảng. Đến cuối năm 1947 chi bộ đã kết nạp được nhiều đảng viên mới, các thôn trong xã, các tổ chức đoàn thể đều có đảng viên là hạt nhân lãnh đạo.

Sau Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lộc lần thứ II (tháng 3/1948), trước yêu cầu của tình hình mới, ngày 18/12/1948 Uỷ ban hành chính kháng chiến huyện Gia Lộc quyết định sáp nhập 2 xã Phương Cát và Phương Xá lấy tên là xã Hồng Hưng. Chi bộ đảng xã Hồng Hưng cũng được thành lập trên cơ sở sáp nhập chi bộ Phương Cát và Phương Xá, gồm 47 đảng viên (Phương Xá có 29 đồng chí, Phương Cát có 18 đồng chí). Ban Chi uỷ chi bộ gồm 7 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Ngận là Bí thư, đồng chí Lê Văn Đởm là Phó bí thư chi bộ - đây là chi bộ đầu tiên, tiền thân của Đảng bộ xã Hồng Hưng ngày nay.

Chi bộ Hồng Hưng được thành lập là sự kiện chính trị to lớn, đánh dấu bước trưởng thành nhanh chóng trong công tác xây dựng Đảng của địa phương. Chi bộ đã tập trung lãnh đạo tốt các nhiệm vụ, tạm giao ruộng đất cho nhân dân sản xuất, động viên thanh niên lên đường tham gia chiến đấu, thành lập lực lượng dân quân du kích thường trực chiến đấu, thực hiện khẩu hiệu "Làng là pháo đài thép, mỗi người dân là chiến sỹ đánh giặc…", đồng thời củng cố các tổ chức đoàn thể: Mặt trận liên Việt do đồng chí Nguyễn Văn Thiệu là Chủ tịch, Đoàn thanh niên cứu quốc do đồng chí Lê Văn Mai là bí thư, Hội phụ nữ do đồng chí Nguyễn Thị Hút là bí thư, Hội Nông dân do đồng chí Đỗ Văn Phếch là bí thư...

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, trung đội du kích của xã được thành lập do đồng chí Trần Văn Tục làm đội trưởng, các thôn đều có lực lượng du kích làm nòng cốt phát động toàn dân đánh giặc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hồng Hưng nằm trong vành đai trắng của địch. Xung quanh xã đồn bốt địch dầy đặc như: bốt Thưa, bốt Bái, bốt Phương Điếm, bốt Trắm, bốt Sài... với các binh đoàn chủ lực cơ động của địch thường xuyên càn quét, giết người, cướp của, lùng bắt cán bộ, lập tề, gây ra biết bao đau thương, tang tóc cho nhân dân. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, lực lượng du kích và nhân dân địa phương đã phối hợp với lực lượng chủ lực trên địa bàn chiến đấu anh dũng, nhiều trận đánh làm địch phải khiếp vía rút chạy, tiêu biểu như: Tháng 02/1949 du kích cùng nhân dân trong xã phối hợp đánh 04 trận càn trên đường 17, làm đổ 09 xe quân sự và tiêu diệt hàng trăm tên địch. Tháng 10/1949 phối hợp tổ chức đánh trận càn khi địch từ bốt Thưa đi càn lên Phương Bằng, sau hơn một giờ giao tranh quyết liệt buộc địch phải rút chạy. Đầu năm 1952 phối hợp cùng bộ đội chủ lực và du kích xã Đức Xương chiến đấu với 02 đại đội địch, tiêu diệt hơn 10 tên lính Âu Phi. Ngày 28/01/1953, bộ đội chủ lực trung đoàn 42, bộ đội Tây Sơn cùng du kích và nhân dân trong xã đã chiến đấu anh dũng, tiêu diệt trên 200 tên địch tại thôn Phương Bằng. Ngày 16/5/1953, 12 cô gái Hồng Hưng do đồng chí Lê Thị Hụt chỉ huy đã đánh trọng thương 02 tên lính ngụy tại chợ Tam Lâm (gần bốt Trắm - xã Hoàng Diệu) làm địch khiếp vía. Từ ngày 27 đến ngày 29/9/1953, trong hai đợt chống càn vào xã và các vùng lân cận, du kích xã nhà đã phối hợp tiêu diệt 53 tên, làm hàng trăm tên bị thương, thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng của địch, làm nức lòng nhân dân và cán bộ ta.

Đặc biệt từ những ngày đầu chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng ngày xã đã huy động đảng viên, dân quân, du kích tham gia lực lượng đắp ụ, đặt chông, cài mìn trên các tuyến đường giao thông chặn các phương tiện vận tải của địch, động viên nhân dân đi dân công tiếp viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Thành tích của cán bộ và nhân dân xã nhà đã góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc thắng lợi chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đưa miền Bắc tiến lên CNXH.

Sau khi miền Bắc được giải phóng, chi bộ đã lãnh đạo nhân dân hàn gắn vết thương chiến tranh, cùng cả nước xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn xã đã thực hiện tốt chủ trương cải cách ruộng đất, cải tạo xã hội chủ nghĩa, tiến tới con đường làm ăn tập thể. Năm 1958 hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên ở Phương Bằng được thành lập có hơn hai chục hộ tham gia. Năm 1959 đã thành lập được 7 hợp tác xã nông nghiệp ở các thôn. Đến năm 1960, toàn xã đã hoàn thành việc xây dựng HTX nông nghiệp, HTX tín dụng và HTX mua bán, đồng thời phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá xã hội, hoàn thành thắng lợi phong trào thi đua xây dựng ba ngọn cờ hồng tại địa phương.

Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, tháng 8/1959 Đại hội Đảng bộ xã lần thứ nhất được tiến hành, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 07 đồng chí, đồng chí Nguyễn Đức Mỗi được bầu làm Bí thư Đảng uỷ. Đảng bộ lúc này có 06 chi bộ, với hơn 100 đảng viên. Đại hội đã quyết định lấy ngày 18/12/1948 là ngày truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Hồng Hưng.

Từ ngày 05/8/1964 đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam. Cùng với quân và dân cả nước, Đảng bộ và nhân dân Hồng Hưng tiếp tục nêu cao ý chí "Không có gì quý hơn độc lập tự do" chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ xâm lược. Đảng bộ và nhân dân xã nhà đã hăng hái thi đua lao động sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho tiền tuyến với khẩu hiệu "Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để chiến thắng giặc Mĩ xâm lược". Nhân dân trong xã đã tích cực hưởng ứng phong trào "Vững tay cầy, chắc tay súng", "Mỗi người làm việc bằng hai", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, phong trào: "Thanh niên ba sẵn sàng", "Phụ nữ ba đảm đang", "phong trào ba giỏi, ba nhất" và nhiều phong trào cách mạng khác được đẩy mạnh.

Cùng với việc xây dựng thế trận hậu phương vững chắc, Đảng bộ và nhân dân trong xã đã anh dũng phối hợp chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Toàn xã huy động đào đắp trên 2.000 hầm hố các loại, 1.500 m giao thông hào, làm 1.300 mũ rơm phục vụ chiến đấu, lao động và học tập. Thành lập trung đội dân quân cơ động với hơn 30 người, do đồng chí Nguyễn Văn Chăm - Xã đội trưởng chỉ huy. Mỗi thôn lập một chòi gác, kịp thời phát hiện máy bay địch, báo động để nhân dân phòng tránh nhằm hạn chế thương vong. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Hồng Hưng đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch, HTX nông nghiệp Hồng Hưng liên tục là đơn vị xuất sắc, lá cờ đầu của huyện Gia Lộc và tỉnh Hải Dương, đóng góp hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, hàng nghìn ngày công, đào đắp hàng triệu m3 đất phục vụ các công trình giao thông, thuỷ lợi của huyện, tỉnh, Trung ương; xây dựng nhà phục vụ hoạt động của Đài tiếng nói Việt Nam...

Tổng kết cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, toàn xã đã động viên và tiễn đưa hàng nghìn người con bổ sung vào quân đội, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, du kích, 204 người con quê hương đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, 89 thương bệnh binh, 30 Mẹ được phong và truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm cho Nhà nước... Với những thành tích đạt được, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Hồng Hưng đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng cho tập thể, cá nhân 750 huân, huy chương các loại, hàng trăm bằng khen, giấy khen, Đảng bộ được tặng 03 Huân chương lao động hạng Ba, một lần được đón nhận Lẵng hoa của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, được thay mặt nhân dân huyện Gia Lộc đón tiếp và báo công với đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; được đồng chí Lê Thanh Nghị, đồng chí Phạm Hùng - Phó thủ tướng Chính phủ về thăm; đón tiếp Nhà báo 12 nước trên thế giới về tìm hiểu con người và đất nước Việt Nam.

Đó là những minh chứng khẳng định thành tích lãnh đạo, sự hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ, góp phần tô thắm thêm lá cờ quyết chiến, quyết thắng của dân tộc ta, đồng thời viết lên trang sử vẻ vang rất đỗi tự hào của Đảng bộ và nhân dân xã Hồng Hưng đã đạt được trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Những năm gần đây, đặc biệt trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025 giá trị sản xuất bình quân của xã tăng 11,32%/năm (Mục tiêu Đại hội tăng 10%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 73,5 triệu đồng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Số hộ giàu, hộ khá ngày càng tăng, số hộ nghèo hàng năm đều giảm trên 1% (năm 2023 số hộ nghèo toàn xã còn 38 hộ = 1,44%; trong đó nghèo đa chiều còn 03 hộ = 0,11%). Chuyển giao và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh đem lại hiệu quả kinh tế cao được đẩy mạnh.

Cơ sở hạ tầng phát triển mạnh, đã tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước và huy động có hiệu quả vốn đóng góp của nhân dân để xây dựng các công trình phục vụ sản xuất và đời sống, trong đó nhiều người con quê hương đang công tác ở mọi miền đất nước luôn hướng về ủng hộ xây dựng địa phương.

Sự nghiệp giáo dục có nhiều tiến bộ, công tác xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh, hoạt động khuyến học, khuyến tài được quan tâm, phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, rèn luyện đạo đức lối sống ngày càng phát triển, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh thi đỗ vào các trường Đại hoc, cao đẳng, trung học phổ thông ngày càng tăng. Công tác dân số kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc bảo vệ sức khoẻ của nhân dân có bước phát triển mới, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở được đẩy mạnh, đã có 6/6 làng được công nhận làng Văn hoá, phong trào xây dựng gia đình văn hoá, cuộc vận động lành mạnh hoá việc cưới, việc tang đạt kết quả, trên 97% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, phong trào VH - VN - TDTT phát triển mạnh, nhiều loại hình câu lạc bộ của các thôn và các đoàn thể hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt chính sách xã hội.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hôi ổn định, công tác quốc phòng quân sự địa phương thực hiện tốt, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội hoạt động có hiệu quả, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đoàn kết thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh; nhiều tập thể và cá nhân được các cấp khen thưởng, công tác chính quyền thường xuyên được củng cố, năng lực quản lý được nâng lên, công tác điều hành đảm bảo dân chủ, công khai, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Năm 2016 xã đã được công nhận là xã nông thôn mới. Đến tháng 12 năm 2022 xã đã hoàn thành 19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao đang đề nghị Ban chỉ đạo tỉnh Hải Dương thẩm định và công nhận.

Trải qua 75 năm xây dựng và không ngừng phát triển, được rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, giai đoạn lịch sử nào, Đảng bộ xã nhà luôn thấm nhuần sâu sắc quan điểm “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt”, vì vậy đã đặc biệt chăm lo củng cố, xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, có sức chiến đấu cao. Đến nay Đảng bộ có 305 đảng viên, sinh hoạt ở 14 chi bộ, trong đó 142 đồng chí được tặng huy hiệu đảng, nhiều con em quê hương đã phấn đấu trưởng thành, được phân công giữ chức vụ quan trọng ở các cấp, thành đạt trong sản xuất, kinh doanh...

Để tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân xã nhà 75 năm qua, chúng ta cần nỗ lực phấn đấu hơn nữa, không thoả mãn với những thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế tồn tại, đoàn kết chặt chẽ, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp, các ngành, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXVI đã đề ra, xây dựng Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong sạch vững mạnh; xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

(Các tiết mục văn nghệ chào mừng) 
 
 
 
 
(tải về1;tải về2;tải về3;)
(tải về1;tải về2;)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ HỒNG HƯNG - HUYỆN GIA LỘC

Trưởng Ban Biên tập: Đ/c Phạm Văn Hanh, Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: Hồng Hưng, Gia Lộc, Hải Dương

Điện thoại: 0974002988

Email: trungtoan1984@gmail.com

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0